Tuần vừa qua, Hội Đông y Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc phòng, chống đột quỵ não bằng đông-tây y kết hợp. Đây là dịp để các thầy thuốc Tây y và Đông y cập nhật, trao đổi kiến thức, chia sẻ điểm mạnh, từ đó kết hợp tạo hiệu quả tối ưu trong phòng ngừa và điều trị căn bệnh này, nhất là trong thời điểm mùa lạnh như hiện nay ở nước ta.
Tham gia hội nghị có đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên trong lĩnh vực cấp cứu điều trị đột quỵ, thần kinh, phục hồi chức năng của các cơ sở y tế hàng đầu về y học hiện đại và y học cổ truyền như: Bệnh viện Bạch Mai; Viện Châm cứu Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội… và hàng chục nghìn hội viên Hội Đông y Việt Nam trên cả nước tham dự qua hình thức trực tuyến.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng biểu hiện tổn thương của não (thường là khu trú), tồn tại trên 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, loại trừ nguyên nhân chấn thương.
Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới sau ung thư và tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Theo thống kê, hằng năm Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ não. Bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng có thể được dự phòng được bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, và stress, cũng như các nguyên nhân khác.
Hậu quả của đột quỵ rất lớn, làm giảm, mất khả năng sống độc lập của cá nhân người bệnh và tạo một gánh nặng kinh tế đáng kể cho xã hội. Do vậy, mục tiêu điều trị là cải thiện tỷ lệ tử vong, tránh tối đa tàn phế, sa sút trí tuệ và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những người còn sống.
Di chứng của đột quỵ để lại cũng rất nặng nề, nên việc phát hiện sớm, điều trị sớm là rất quan trọng, giúp người bệnh được hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn.
PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội đông Y Việt Nam cho biết, trong Đông y, bệnh đột quỵ não đã được mô tả với tên gọi chứng trúng phong. Là bệnh phát cấp tính, đột ngột và rất nặng; đột nhiên ngã, bất tỉnh hoặc tỉnh, bán thân bất toại hoặc tứ chi không cử động được, miệng méo, mắt lệch, nói khó…
Đông y tham gia phòng, chống đột quỵ và di chứng có hiệu quả từ hàng nghìn năm nay bằng các bài thuốc cổ phương, luyện tập, châm cứu… Do đó, việc phục hồi chức năng sớm bằng các phương pháp y học cổ truyền là một trong những sự lựa chọn và là thế mạnh của Đông y.
GS, TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội hồi phục chức năng Việt Nam nêu rõ, ngày nay với sự tiến bộ của y học, người ta thấy rằng phục hồi chức năng giai đoạn cấp góp phần phục hồi và tiên lượng tốt cho người bệnh. Quan điểm trước đây thường cho rằng, phục hồi chức năng được thực hiện sau khi có di chứng, tuy nhiên giai đoạn hiện nay phục hồi chức năng từ giai đoạn cấp có tác động đến tính mềm dẻo của não và có thể thúc đẩy cải thiện tình trạng.
Thực hiện phục hồi chức năng chất lượng cao ngay từ giai đoạn cấp bằng y tế nhóm, với sự phối hợp của các bác sĩ ngoại thần kinh, nội thần kinh, phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu… góp phần phục hồi chức năng và nâng cao tỷ lệ hòa nhập xã hội của người bệnh đột quỵ.
PGS, TS Võ Trường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho rằng liệu pháp vận động, còn gọi là luyện tập thể dục thể thao, hoạt động thể chất, vật lý trị liệu-phục hồi chức năng đã được nghiên cứu áp dụng thông qua các bài tập khí công, dưỡng sinh, thái cực quyền, bài tập thể dục thể thao, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tại các sơ sở y tế. Để tăng cường hiệu quả, tránh tác dụng không mong muốn khi áp dụng liệu pháp vận động, thầy thuốc và người bệnh cần phối hợp chặt chẽ, kiểm soát lượng vận động của người bệnh dựa trên cơ sở tình trạng sức khỏe của người có nguy cơ đột quỵ và mức độ di chứng của người đã đột quỵ, tình trạng thể lực của người bệnh đột quỵ.