Nạn săn bắt, mua bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, trong đó có các loài Tê tê đã và đang diễn ra nhức nhối trên Thế giới và cả ở Việt Nam. Mỗi năm, riêng tại Việt Nam có hàng nghìn cá thể Tê tê bị săn bắt, khiến loài động vật này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Trong một vài tài liệu về Y học cổ truyền có đề cập đến việc sử dụng vảy Tê tê (Xuyên sơn giáp) trong một số bài thuốc chữa sốt rét, viêm ruột, trị phong thấp, tiêu sưng, mụn nhọt, viêm tắc tuyến sữa …Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, người ta đã gán cho vảy Tê tê nhiều công dụng khác nhau, thậm chí nhiều người còn cho rằng ăn thịt Tê tê để nâng cao sức khỏe và thể hiện sự giàu sang, sành điệu. Theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, trong đó hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ ĐVHD có thể bị phạt tiền lên tới 400 triệu đồng. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc phạt tiền đến 5 tỷ đồng. Pháp nhân vi phạm tương tự có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Mặc dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi quảng cáo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong đó có Tê tê với các mức phạt khá cao nhưng tình trạng này vẫn đang tiếp tục xảy ra. Trong khi đó, Việt Nam là Quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng. Các Thầy thuốc Y học cổ truyền đã biết và sử dụng nhiều cây thuốc, vị thuốc và bài thuốc thảo dược để điều trị bệnh mà không cần dùng tới các vị thuốc từ động vật hoang dã nguy cấp. Mới đây, trong khuôn khổ Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y và Dược liệu cổ truyền xây dựng cuốn cẩm nang “Vị thuốc, cây thuốc thay thế vảy Tê tê”. Cuốn cẩm nang này đã được biên soạn nhằm giới thiệu các vị thuốc, cây thuốc có hiệu quả tương tự như vảy Tê tê theo quan điểm của Y học cổ truyền, đồng thời không gây hại cho loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng này. Là một Thầy thuốc Đông y, đã nhiều năm tham gia tuyên truyền góp phần bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, tôi đã tham gia viết và đưa bài đăng trên Tạp chí Đông y Việt Nam về các vị thuốc thay thế Mật gấu; soạn 04 Giáo án về cây thuốc thay thế Mật gấu năm 2018 và đã được Hội đồng khoa học của Hội Đông y Việt Nam thẩm định làm tài liệu giảng dạy cho các Lương y ở cơ sở, đó là các vị thuốc thay thế Mật gấu như: Cúc hoa, Câu đằng, Nghể răm và Đại kế… Trong bài viết này, tôi xin đưa một số thông điệp về sử dụng một số cây thuốc, vị thuốc thay thế vảy Tê tê để đồng nghiệp và bạn đọc tham khảo, ứng dụng, loại bỏ việc kê đơn thuốc có sử dụng vảy Tê tê cho người bệnh hay tham gia mua bán vảy Tê tê trái pháp luật. Rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc chung tay góp sức bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các bài có vị thuốc thay thế vảy Tê tê 1. Điều trị Cảm sốt: Dùng bài: Ngân Kiều Tán (Sách Ôn Bệnh Điều Biện), gồm các vị: – Kim ngân hoa 40g, – Liên kiều 40g, – Cát cánh 24g, – Bạc hà 24g, – Trúc diệp 16g, – Cam thảo (sống) 20g, – Kinh giới tuệ 16g, – Đạm đậu xị 20g, – Ngưu bàng tử 24g. Tất cả các vị trên tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 24g uống với nước sắc Vi căn tươi 2. Trị mụn nhọt mới phát: Dùng bài: – Kim ngân hoa 500g, – Nước 10 bát. – Sắc còn 2 bát. – Thêm Đương quy 80g. Sắc còn 1 bát, chia 2 lần uốn trong ngày (Động Thiên Áo Chỉ). 3. Trị tắc tia sữa: Dùng bài: – Kim ngân hoa, – Đương quy, – Hoàng kỳ (nướng mật), – Cam thảo đều 10g. Sắc lấy nước, thêm 1/2 bát rượu, chia 2 lần uống trong ngày. (Kim Ngân Hoa Tán – Tế Âm Cương Mục). 7. Điều trị cảm cúm: – Hoa kim ngân 6g, – Cam thảo 3g, – Nước 200 ml. Sắc còn 100 ml, chia 2-3 lần uống trong ngày (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam). 4. Điều trị vú có khối kết, sưng to, đỏ, chảy nước: Dùng bài: – Kim ngân hoa, – Hoàng kỳ (sống) đều 20g, – Đương quy 32g, – Cam thảo 4g, – Lá Ngô đồng 50 lá. – Nước 1/2 bát, rượu 1/2 bát, sắc uống chia 2 lần trong ngày. (Ngân Hoa Thang – Trúc Lâm Nữ Khoa). 5. Điều trị lở ngứa: – Hoa kim ngân 20g, – Cam thảo 12g, sắc uống chia 2 lần trong ngày . Bên ngoài dùng Hoa kim ngân tươi trộn với rượu đắp xung quanh chỗ đau (Kim Ngân Hoa Tửu – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách). 6. Điều trị viêm họng, quai bị: – Kim ngân hoa 16g, – Liên kiều 12g, – Trúc diệp 12g, – Ngưu bàng tử 12g, – Cát cánh 8g, – Kinh giới 8g, – Bạc hà 4g, – Cam thảo 4g, – Đậu xị 18g, Sắc uống chia 2 lần trong ngày. (Ngân Kiều Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách). 8. Điều trị sởi: – Hoa kim ngân 30g, – Cỏ ban 30g. Dùng tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô, sắc uống (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam)./. |