Nhu cầu sử dụng Y học cổ truyền rất phổ biến đối với người dân Việt Nam và nhiều nước trên Thế giới. Tuy nhiên vì thiếu hiểu biết, nhiều người đã coi chúng như thần dược khiến nhiều loài phải đối mặt với sự giảm sút nghiêm trọng về số lượng và thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Động vật hoang dã không phải là thần dược
Lịch sử sử dụng các loài cây cỏ và động vật làm thuốc của nhân loại được bắt đầu từ thời xa xưa. Trong Y học cổ truyền có rất nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh như Mật gấu, vảy Tê tê, sừng Tê giác….. Trong một số tài liệu Đông y có đề cập đến việc sử dụng vảy Tê tê và sừng Tê giác như những loại dược liệu trong việc chữa các chứng bệnh như: Sốt rét, tiêu sưng, mụn nhọt, viêm tắc tuyến sữa, viêm khớp …Tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, người ta đã gán cho vảy Tê tê và sừng Tê giác nhiều công dụng khác nhau như tăng cường sinh lực nam giới và coi chúng như thần dược có thể chữa khỏi nhiều bệnh nan y.
Hậu quả của việc mua bán, sử dụng các sản phẩm từ hai loài này đã khiến chúng phải đối mặt với sự giảm sút nghiêm trọng về số lượng và thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng đồng thời người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng rởm, hàng nhái. Thực tế, đã có nhiều ca bệnh bị ngộ độc do sử dụng sừng Tê giác để chữa bệnh. Điển hình là một bệnh nhi 22 tháng tuổi phải cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 2 do uống bột mài từ sừng Tê giác để hạ sốt.
PGS. TS Phạm Thanh Huyền, Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu, Viện Dược liệu Trung ương khẳng định: “Mặc dù người dân đã nghe nhiều thông tin về việc sử dụng sừng Tê giác và vảy Tê tê để chữa bệnh, nhưng trên thực tế chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào công bố về các tác dụng của chúng một cách chính thống. Cho đến nay, Viện Dược liệu là đơn vị nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực dược liệu cũng chưa có những nghiên cứu đánh giá về tác dụng của sừng Tê giác và vảy Tê tê ở Việt Nam. Vì vậy, việc sử dụng sừng Tê giác vào mục đích chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cần phải căn cứ trên những cơ sở khoa học”.
Lựa chọn thảo dược thay thế để bảo vệ ĐVHD
Theo thống kê của Viện Dược liệu Trung ương, Việt Nam có nguồn cây thuốc rất phong phú, khoảng hơn 4.000 loài cây. Đây là nguồn nguyên liệu tiềm năng để nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đồng thời giúp thay thế được việc sử dụng các bộ phận của các loài động vật hoang dã và có nguy cơ tuyệt chủng như Hổ, Gấu, Tê giác, Tê tê…
Nhiều cây thuốc đã trở thành quen thuộc với người Việt như cây Nghệ có hoạt chất curcumin chống viêm, cây Dừa cạn với các hoạt chất chữa ung thư, hoạt chất của cây Thanh hao hoa vàng chữa sốt rét…. Các nhà khoa học Việt Nam đã tổng hợp được 46 loài cây thuốc và một số bài thuốc tiềm năng có thể thay thế cao Hổ cốt, sừng Tê giác, Mật gấu…
Năm 2021, để góp phần bảo tồn loài Tê tê và Tê giác, nâng cao nhận thức về những qui định bảo vệ động vật hoang dã nói chung, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID phối hợp cùng Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam (CITES Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cùng nhóm tác giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Y học cổ truyền đã biên soạn 2 cuốn sách “Các cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế vảy Tê tê và sừng Tê giác”. Bộ tài liệu này sẽ được phát cho 1.000 Thầy thuốc Đông y tại 63 tỉnh thành nhằm giới thiệu các vị thuốc cây thuốc có tác dụng thay thế vảy Tê tê và sừng Tê giác, góp phần nâng cao nhận thức trong việc sử dụng ĐVHD để kê đơn và sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD để chữa bệnh.
Cũng thông qua các hoạt động truyền thông từ USAID và CITES Việt Nam, 120 nhà thuốc Y học cổ truyền tại Hà Nội đã trưng bày thông tin không sử dụng động vật hoang dã trong trị bệnh.
Mặc dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi quảng cáo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp trong đó có Tê tê và Tê giác với các mức phạt khá cao nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra thường xuyên. Thực tế cho thấy, Ngành Y học cổ truyền với vị trí quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cũng có vai trò hết sức to lớn trong việc góp phần ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD, góp phần bảo vệ các loài này và bảo tồn đa dạng sinh học./.