Quáng gà đông y gọi là: Tước mục; Còn gọi là “Kê manh” hoặc “Cao phong tước mục”, “Can hư tước mục”, “Hoàng hôn bất kiến”, “Tiểu nhi tước mục”…Tùy theo từng cách nhìn nhận về thời gian biểu hiện bất thường hay bệnh lý mà có tên khác nhau nhưng đều thống nhất các chứng trạng lâm sàng là: Mắt nhìn mà không phát hiện chính xác vật vào lúc hoàng hôn
I. ĐẠI CƯƠNG
Quáng gà đông y gọi là: Tước mục; Còn gọi là “Kê manh” hoặc “Cao phong tước mục”, “Can hư tước mục”, “Hoàng hôn bất kiến”, “Tiểu nhi tước mục”…Tùy theo từng cách nhìn nhận về thời gian biểu hiện bất thường hay bệnh lý mà có tên khác nhau nhưng đều thống nhất các chứng trạng lâm sàng là: Mắt nhìn mà không phát hiện chính xác vật vào lúc hoàng hôn.
II. NGUYÊN NHÂN CƠ CHẾ BỆNH SINH
Nguyên nhân chủ yếu là do thận hư gây ra khô mà nhãn mục bị hôn vậng, hoặc do tửu sắc quá độ khiến cho thận tạng suy tổn nhân đó mà việc cảm thụ khí của tiên thiên bị ảnh hưởng, chân khí không cố được kim tinh, thận tinh đến đồng nhân ít làm cho thủy thần không cố được tinh mục mà gây ra nhãn hoa; Thận hư lâu ngày làm cho can âm bị ảnh hưởng, tinh khí của can thận đều suy kém; Can âm suy tổn, can huyết thiếu nghiêm trọng do đó không nuôi dưỡng được mục hệ một cách thường xuyên mà gây ra.
Đối với tiểu nhi nguyên nhân chủ yếu do can hư cảm thụ tà nhiệt làm tổn thương kinh lạc làm cho âm dương không giao hòa, ngũ luân, bát quách không thông (dạ chí) dẫn đén hôn vậng tước mục.
Khi trời gần tối (Hoàng hôn) thiên nhiên âm dương giao hòa, dương cực sinh âm, dương cực làm phần âm trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng theo, can huyết càng thiếu hụt, khi dương tiêu âm bắt đầu trưởng, chuyển đổi ttrong khoảng thời gian ngắn, nhanh làm cho mục hệ vốn đã bị không còn được bình thường nên không điều tiết kịp thời gây ra mắt hoa, có quầng đen, nhìn không rõ vật.
Khi về đêm tối mịt là lúc mà phần âm của thiên nhiên đầy đủ do đó cơ thể cũng được bổ sung phần âm mà làm cho can âm có phần được cải thiện do đó nhìn rõ dần.
III. CHỨNG TRẠNG VÀ PHÉP CHỮA
1. Thận hư
– Triệu chứng lâm sàng:
Bệnh ban ngày nhìn mọi vật bình thường, đến lúc hoàng hôn nhìn không rõ vật, khi trời tối hẳn lại nhìn bình thường, người gầy, ngũ tâm phiền nhiệt, thỉnh thoảng choáng váng, nhức đầu, đau ngang lưng, ù tai; Mạch tế sác.
– Phương pháp điều trị: Bổ thận minh mục
– Bài thuốc: Hoàn tinh bổ thận hoàn.
Cam thảo 4 gam, Nhân sâm 8 gam, Bạch truật 8 gam, Phục linh 8 gam, Tật lê 8 gam, Khương hoạt 8 gam, Mộc tặc 8 gam, Cúc hoa 8 gam, Phòng phong 8 gam, Xuyên khung 8 gam, Sơn dược 8 gam, Nhục thung dung 8 gam, Mật mông hoa 8 gam, Thanh tương tử 8 gam, Ngưu tất 8 gam.
Cách bào chế: Nhục dung tửu tẩy; Tất cả các vị tán mịn tinh; Mật hoàn viên.
Cách dùng: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 – 20 gam.
– Châm cứu:
Châm tả các huyệt: Hợp cốc, Khúc trì, Tình minh, ế phong, Phong trì, Thính hội, Hành gian.
Châm bổ các huyệt: Can du, Túc tam lý, Quang minh, Đởm du.
Những huyệt dự bị: Huyết hải, Khí hải, Thính cung, Thái khê, Thái xung, Toán trúc, Ty trúc không.
2. Can thận âm hư
– Triệu chứng lâm sàng:
Bệnh ban ngày nhìn mọi vật bình thường, đến lúc hoàng hôn nhìn không rõ vật, mắt nhìn thấy nhiều quầng đen vàng, loang loáng trước mắt, bước đi không chuẩn xác; khi trời tối hẳn lại nhìn bình thường, người gầy, bốc nóng lên mặt từng cơn, choáng váng, ngực sườn đầy tức, đau đầu cắn nhức hai thái dương, đau ngang lưng; Mạch tế sác.
– Phương pháp điều trị: Tư bổ can thận minh mục.
– Bài thuốc: Bổ thận minh mục hoàn
Thanh diêm 4 gam, Đương qui 8 gam, Thục địa hoàng 8 gam, Tri mẫu 8 gam, Tật lê 8 gam, Tri mẫu 8 gam, Thạch xương bồ 8 gam, Cúc hoa 8 gam, Hoàng bá 8 gam, Xuyên khung 8 gam, Sơn dược 8 gam, Viễn chí 8 gam, Ba kích 8 gam, Ngũ vị tử 8 gam, Bạch thược dược 8 gam, Tang phiêu tiêu 8 gam, Sung úy tử 8 gam, Thỏ ty tử 8 gam, Nhục thung dung 8 gam, Câu kỷ tử 8 gam, Mật mông hoa 8 gam, Thanh tương tử 8 gam, Thạch quyết minh 8 gam.
Cách bào chế: Viễn chí bỏ lõi chế, Nhục dung tửu tẩy, Ba kích bỏ lõi tẩm thanh diêm; Tất cá các vị (trừ Thục địa hoàng) tán mịn tinh; Mật và Thục địa luyện tinh trộn với bột hoàn viên.
Cách dùng: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 – 20 gam.
– Châm cứu:
Châm tả các huyệt: Khúc trì, Tình minh, Phong trì, Thính hội, Hành gian.
Châm bổ các huyệt: Can du, Thận du, Thái khê, Quang minh, Đởm du.
Những huyệt dự bị: Huyết hải, Khí hải, Thính cung, Chiếu hải, Thái xung, Toán trúc.
3. Tiểu nhi tước mục ( Trẻ em cam tích tước mục)
– Triệu chứng lâm sàng:
Trẻ em người gày bụng ỏng đít beo, mắt kèm nhèm, ăn kém, rối loạn tiêu hóa, ỉa lỏng. Trẻ em ban ngày nhìn mọi vật bình thường, đến lúc hoàng hôn nhìn không rõ vật đi lại không chuẩn xác hay vấp ngã, khi trời tối hẳn lại nhìn bình thường.
– Phương pháp điều trị: Tư bổ can thoái nhiệt, minh mục.
– Bài thuốc: Ngũ đởm hoàn
Hùng đởm 1 cái, Thanh dương đởm 1 cái, Thanh ngư đởm 1 cái, Ngưu hoàng đởm 2 cái, Lý ngư đởm 2 cái, Thạch quyết minh 2 lạng, Dạ minh sa 1 lạng, Xạ hương nửa lạng.
Cách bào chế: Thạch quyết minh, Dạ minh sa, Xạ hương các vị tán mịn tinh, ngũ trấp đởm hoàn viên.
Cách dùng: Trẻ em từ 10 đến 15 tuổi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 – 15 gam với nước chè xanh.
Trẻ nhỏ tùy tuổi mà cho liều thích hợp.
Bữa ăn cho trẻ ăn kèm với gan dê.
– Châm cứu:
Châm tả: Hợp cốc, Tình minh, ế phong, Phong trì, Hành gian.
Châm bổ các huyệt: Khúc trì, Can du, Túc tam lý, Quang minh.
Những huyệt dự bị: Huyết hải, Khí hải, Nội quan, Tam âm giao, Thính cung, Thái khê, Thái xung, Toán trúc, Ty trúc không.
IV. ĐIỀU DƯỠNG VÀ PHÒNG BỆNH
– Trong thời gian nuôi trẻ từ khi sơ sinh cần luyện tập cách nhận biết như: ánh sáng, âm thanh, tiếng nói nếu biểu hiện khác thường phải theo dõi sát và khám phát hiện bệnh sớm.
– Vệ sinh thân thể sạch sẽ, đảm bảo nguồn nước tắm rửa sạch,
– Không ăn các chất cay nóng.