VỊ THUỐC THAY THẾ SỪNG TÊ GIÁC

 Trong một số bài thuốc cổ phương của người xưa có nhắc đến việc dùng sừng Tê giác để chữa bệnh, nhưng tác dụng chỉ hạn chế cho một số loại bệnh, chứ không phải là thần dược chữa bách bệnh. 

 Theo Đông y, sừng Tê giác có vị đắng, mặn, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, tiêu sưng, cầm máu, an thần định chí, có thể sử dụng trong các bệnh như: Sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, … Ngày nay Y học hiện đại đã phát triển vượt bậc, những căn bệnh cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng phải được xử trí kịp thời, thì tính mạng con người mới được an toàn, nếu chờ đi tìm mua sừng Tê giác hay đợi tác dụng của sừng Tê giác để chữa bệnh thì có khi con người không cứu chữa kịp hoặc bệnh chuyển sang giai đoạn diễn biến phức tạp hơn, đúng là “tiền mất tật mang”.

Có thể khẳng định đối với Đông y, sừng Tê giác không phải là thần dược. Với tác dụng của sừng Tê giác như các tài liệu xưa đề cập, thì cũng rất nhiều vị thuốc, cây thuốc có tác dụng tương tự và cũng đã được các Thầy thuốc Đông y sử dụng trong các phương thuốc mà không cần sử dụng sừng Tê giác, như các vị thuốc: Ngưu hoàng tử, Hồng hoa, Đào nhân, Đan sâm, Xích thược, Huyền sâm, Sinh địa, Hòe hoa, Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm, Toan táo nhân, Viễn trí, Liên nhục… Thuốc quý ở khả năng trị bệnh, chứ không cứ giá tiền. Những vị thuốc này rất dễ tìm, dễ mua, đáp ứng được tác dụng chữa bệnh, mà chi phí lại thấp, tại sao không dùng ?

  Để chung tay bảo vệ loài động vật quý hiếm này, tôi xin giới thiệu một số vị thuốc thay thế sừng Tê giác sử dụng trong các bài thuốc để đồng nghiệp và độc giả tham khảo

1. Vị thuốc thay thế sừng Tê giác như: Sừng trâu nước, Hoàng cầm, Hoàng Liên.

    Điều trị đột quỵ dùng bài bài: “An cung ngưu hoàng hoàn” gồm: Ngưu hoàng 0,2g, Uất Kim 10g, Sừng trâu nước 20g, Hoàng cầm 8g, Hoàng Liên 8g, Hùng hoàng 3g, Sơn chi 10g, Chu sa (thủy phi) 2g, Mai phiến 0,1g, Xạ hương 0,1g và Trân châu 0,3g. Sắc uồng ngày 01 thang, chia 3 lần.

2. Vị thuốc thay thế sừng Tê giác như: Hoa hoè, Cúc hoa. 

  Điều trị cao huyết áp: Hoa hoè 25g, Tang ký sinh 25g, Hạ khô thảo 20g, Cúc hoa 20g, Thảo quyết minh 20g, Xuyên khung 15g, Địa long 15g. Sắc uống ngày 01 thang chia 3 lần.

3. Vị thuốc thay thế sừng Tê giác như: Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Cúc hoa.

  Điều trị Mắt đỏ, sưng đau: Hoàng liên 8g, Thiên hoa phấn 12g, Hoàng cầm 8g, Chi tử 8g, Cúc hoa 12g, Xuyên khung 8g, Bạc hà 5g, Liên Kiều 12g, Hoàng bá 8g (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách). Sắc uống ngày 01 thang chia 3 lần.

4. Vị thuốc thay thế sừng Tê giác như: Huyền sâm, Sinh địa, Đan sâm, Cam thảo.

  Điều trị cảm sốt phong nhiệt: Huyền sâm 15g, Đan sâm 12g, Sinh địa 20g, Trúc diệp 12g, Cam thảo 5g, Đại táo 15g, Toan táo 5g. Sắc uống ngày 01 thang chia 3 lần.

5. Vị thuốc thay thế sừng Tê giác như: Dành dành, Hoàng bá, Cam thảo.

    Điều trị Viên gan: Dành dành (Chi tử) 20g, Nhân trần 16g, Đại hoàng 10g, Trạch tả 16g, Mộc thông 16g, Sa tiền tử 10g, Hoàng bá 10g, Cam thảo 5g. Sắc uống ngày 01 thang chia 3 lần.

    Các đồng nghiệp và độc giả có thể tìm hiểu thêm các vị thuốc thay thế cho sừng Tê giác và vảy Tê tê ở 2 cuốn sách theo link dưới đây:

https://hoidongy.vn/Uploads/image/bientap/file/2021/SachTeGiac.pdf

https://hoidongy.vn/Uploads/image/luanbt/file/nam%202020/ViThuocThayTheVayTeTe-compressed.pdf

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *