Hội thảo tập huấn truyền thông lồng ghép bảo vệ động vật hoang dã

 Giảng viên và sinh viên các trường Y, Dược cổ truyền chung tay giảm thiểu kê đơn và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật hoang dã

 Nhằm tăng cường kỹ năng tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép bảo vệ động vật hoang dã cho nhóm đối tượng là giảng viên, sinh viên của các Trường Đại học và Trung cấp Y Dược trong cả nước. Ngày 24 và 25 tháng 5 năm 2018, tại Cúc Phương – Ninh Bình, Ban Chuyên môn – Hội Đông y Việt Nam phối hợp với TRAFFIC Việt Nam (Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – Liên minh chiến lược của IUCN và WWF) và Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia phối hợp tổ chức Hội thảo và Tập huấn “Truyền thông lồng ghép bảo vệ động vật hoang dã”. Hội thảo do Tổ chức WWF của Đức tài trợ.

Tham dự Hội thảo, có Bà Sarah Ferguson – Trưởng đại diện Traffic tại Việt Nam; TS. Trần Xuân Nguyên – Trưởng Ban Chuyên môn, Hội Đông y Việt Nam; đại diện Vụ Truyền thông – Bộ Y tế; Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife); đại diện Dự án Phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (USAID Saving spieces); đại diện Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia cùng các thầy giáo, cô giáo và các bạn sinh viên.

Các giảng viên và sinh viên đến từ các trường Y, Dược học cổ truyền đã thống nhất xây dựng một kế hoạch truyền thông khuyến khích sự tham gia của các thầy thuốc Đông y trong cộng đồng Y học cổ truyền Việt Nam trong việc không kê đơn, không sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

 Bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam

 “Chúng tôi mong muốn và nỗ lực hành động để việc thực hành y học cổ truyền sẽ tiếp tục phát triển bền vững thông qua việc sử dụng các nguồn dược liệu hợp pháp. Việc các thầy thuốc y học cổ truyền, bệnh nhân và cộng đồng cùng chung tay nhằm giảm thiểu sử dụng ĐVHD trong việc kê đơn và điều trị bệnh đóng vai trò tiên quyết trong việc duy trì và thúc đẩy sự phát triển và những giá trị di sản của một nền y học cổ truyền vốn có từ lâu đời” – Ông Trần Xuân Nguyên, Tiến sỹ Y học, Trưởng Ban Chuyên môn Trung ương Hội Đông y Việt Nam.

Đại biểu tham dự buổi tập huấn

Tại Hội thảo, các chuyên gia Tổ chức TRAFFIC đã thông tin và cập nhật đến các đại biểu về tình hình buôn bán trái phép ĐVHD ở Việt Nam và các quy định pháp luật mới nhất có liên quan nhằm hỗ trợ các giảng viên và sinh viên y học cổ truyền xây dựng được  kế hoạch hoạt động truyền thông phù hợp cho trường mình.

Tham gia Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông cộng đồng hiệu quả nhằm khuyến khích sự tham gia và cam kết của công chúng trong việc bảo tồn các loài ĐVHD, tiêu biểu như loài tê tê.

 

Các đại biểu thăm trại cứu hộ Tê tê tại Cúc Phương – Ninh Bình

Kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhu cầu sử dụng ĐVHD cũng đến từ các hoạt động kê đơn trong y học cổ truyền. Hội thảo được xem là cơ hội để cộng đồng sinh viên y học cổ truyền, chính là các thầy thuốc y học cổ truyền tương lai góp phần thúc đẩy các hoạt động kê đơn có trách nhiệm và hợp pháp hướng tới giảm thiểu và xóa bỏ việc kê đơn và sử dụng trái phép ĐVHD trong cộng đồng y học cổ truyền.

Tổ chức TRAFFIC đã chủ trì biên soạn cuốn Sổ tay hướng dẫn truyền thông lồng ghép giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép ĐVHD trong thực hành y học cổ truyền. Cuốn Sổ tay cung cấp những thông điệp chủ chốt cần truyền thông để bảo vệ ĐVHD và tiến tới xóa bỏ việc kê đơn ĐVHD trong các đơn thuốc y học cổ truyền. Đồng thời, cuốn Sổ tay cũng cập nhật những quy định pháp luật có liên quan tiêu biểu như các quy định về bảo vệ ĐVHD trong Bộ luật hình sự năm 2015. Theo các quy định của Bộ luật này, từ ngày 01/01/2018, tất cả các hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc phạt tiền lên tới 15 tỷ đồng. 

Chuyên gia Y học cổ truyền tham gia Hội thảo khẳng định niềm tin chữa bệnh bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD như sừng tê giác, cao hổ, vảy tê tê không dựa trên bất kỳ nghiên cứu khoa học nào. Đồng thời, các dược liệu hợp pháp và có hiệu quả chữa bệnh cao khác đã được trình bày và trao đổi trong Hội thảo như những lựa chọn thay thế trong việc kê đơn, bốc thuốc của các thầy thuốc y học cổ truyền.

Các giảng viên và sinh viên tham gia Hội thảo được trang bị các tài liệu và công cụ hướng dẫn truyền thông nhằm thông tin và khuyến khích bệnh nhân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng y học cổ truyền không sử dụng trái phép các sản phẩm từ ĐVHD. Trong kế hoạch truyền thông xây dựng được, các giảng viên và sinh viên  đã cùng cam kết truyền thông tới hơn 1.000 giảng viên và sinh viên tại trường của mình. 

Cuốn sổ tay cung cấp thiết kế và nội dung của các công cụ truyền thông trực quan như biểu ngữ, bảng cam kết tạo điều kiện cho các giảng viên và sinh viên sử dụng trong các hoạt động truyền thông lồng ghép tại đơn vị của mình.

 

Giảng viên và sinh viên các trường Y Dược tham gia tập huấn

Theo bà Sarah Ferguson, Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam: “Các giảng viên và sinh viên y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông và khuyến khích đồng nghiệp và cộng đồng y học cổ truyền không kê đơn và sử dụng ĐVHD thông qua những công cụ, tài liệu hỗ trợ truyền thông được xây dựng trong Hội thảo. Bên cạnh đó, với các quy định hiện hành của pháp luật về bảo vệ ĐVHD và nỗ lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý Việt Nam, việc thực hành y học cổ truyền một cách bền vững và hợp pháp sẽ góp phần bảo vệ danh tiếng của các thầy thuốc y học cổ truyền nói riêng và cộng đồng y học cổ truyền nói chung.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *