English
PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM KHÓA XIV NHIỆM KỲ 2020 - 2025

 

HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2020

 

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC

HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM KHÓA XIV NHIỆM KỲ 2020 - 2025

 

A. MỤC TIÊU PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Hội Đông y Việt Nam là tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ kế thừa, phát huy, phát triển Nền Đông y Việt Nam, một bộ phận di sản văn hóa của dân tộc, để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đưa hoạt động của Đông y Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, ngang tầm với các nước trong khu vực.

Năm 2020, trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đến nay thế giới đang chuẩn bị đưa Vacxin vào sử dụng để phòng COVID-19, trước mắt vẫn còn là một khó khăn thách thức lớn cho cả thế giới trong đó có nước ta.

1. Nhiệm kỳ 2020- 2025 là thời kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII và tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến sự nghiệp Đông y, Đông dược; cụ thể:

Thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Tiếp tục thực hiện kết luận 154/TB-KL ngày 20 tháng 2 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới nhân rộng mô hình những kết quả đã đạt được, xây dựng phương án khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thời gian gian cụ thể để thực hiện thành công các quan điểm của Đảng trong Chỉ thị 24-CT/TW.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Liên tịch 02/NQLT/BYT-HĐY của Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam “về mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội Đông y Việt Nam trong công tác thừa kế, bảo tồn và phát triển Y dược cổ truyền.

2. Củng cố tổ chức Hội các cấp, phát triển thêm các chi hội trong các cơ sở khám chữa bệnh YHCT Nhà nước, tư nhân, cơ sở nuôi trồng chế biến dược liệu, sản xuất kinh doanh thuốc và dược liệu...Kết nạp thêm nhiều hội viên mới với chất lượng cao; tăng cường bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hội viên theo chương trình thống nhất toàn quốc để có trình độ chuyên môn Đông y sâu song song với chuẩn hóa Lương y đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

3. Tiếp tục thừa kế các môn thuốc hay, bài thuốc quí của các Lương y có tay nghề cao, người có bài thuốc gia truyền chữa bệnh có hiệu quả ở các địa phương; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn các đề tài nghiên cứu khoa học về Đông y Đông dược; kết hợp Tây y với Đông y; tiếp tục tu thư dịch thuật các tài liệu kinh điển của Đông y, Đông dược in ấn xuất bản phát hành rộng rãi.

Tổ chức khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở mọi vùng miền của tổ quốc đặc biệt quan tâm tuyến cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc, vùng có nhiều khó khăn, từng bước xã hội hóa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng Đông y.

4. Tăng cường nuôi trồng, bảo tồn, phát triển, thu hái và chế biến dược liệu, từng bước hiện đại hóa nền Đông dược Việt Nam, không để mất đi một môn thuốc hay, một cây thuốc quí, giữ gìn bản sắc của Đông y Việt Nam; từng bước nâng cao giá trị sử dụng các cây thuốc, vị thuốc Việt Nam để chữa bệnh và hạn chế nhập khẩu nguồn dược liệu mà Việt Nam đã có; tiến tới xuất khẩu dược liệu và thuốc thành phẩm Đông dược; đẩy mạnh việc nuôi trồng dược liệu sạch và sản xuất thuốc Đông dược đạt chất lượng cao, an toàn, hiệu quả, sử dụng rộng rãi trong nước tiến tới hội nhập với thị trường quốc tế.

5. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân điển hình tiên tiến; tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt các phong trào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và các nhiệm vụ khoa học do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì.

6. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, giới thiệu nền Đông y một đặc thù của Y học Việt Nam với bạn bè thế giới; đồng thời tiếp thu những tiến bộ khoa học của thời đại; hợp tác với các nước có những yếu tố tương đồng để phối hợp phát huy những thế mạnh riêng của từng nước làm phong phú thêm Y học truyền thống và Y học dân gian của cộng đồng thế giới.

7. Hội Đông y Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ cơ sở, hạn chế tối đa tư duy nhiệm kỳ, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, tay nghề cao phù hợp với yêu cầu phát triển hội nghề nghiệp, có đủ trình độ chính trị theo qui định của công tác cán bộ lãnh đạo Hội ở Trung ương và địa phương.

Về chế độ chính sách đối với Hội: Từ năm 2011 đến nay thực hiện Quyết định 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ qui định 28 hội có tính chất đặc thù và 3 hội tương đương, về biên chế cán bộ, các tiêu chuẩn chế độ, kinh phí tương đối rõ ràng, đầy đủ.

Kết luận số 158-TB/TW ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về “Tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới”, trong đó Hội Đông y là 1 trong số 31 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Do đó khi xây dựng Chương trình, kế hoạch, định phướng phát triển công tác Hội trong nhiệm kỳ phải gắn liền với công tác chuyên môn trên cơ sở các văn bản pháp qui của Đảng, Nhà nước phù hợp với thực tiễn ở Trung ương, của tỉnh, thành phố và các trường Đại học, Trung học, Học viện, Bệnh viện, Công ty, Xí nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu...

8. Định hướng chung: Xây dựng các đề án đảm nhiệm một phần công việc nhà nước giao; gắn liền với nhiệm vụ công tác trong Quyết định 1893/QĐ/TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng chính phủ “Ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp Y Dược cổ truyền với Y Dược hiện đại đến năm 2030”; Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 định hướng đến năm 2030”Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phát triển nền Đông Y và Hội Đông Y trong tình hình mới”, cụ thể hóa nhiệm vụ công tác, phù hợp với số lượng biên chế đã được giao năm 2020 làm cơ sở để cấp hoặc hỗ trợ kinh phí.

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I- Công tác tổ chức chỉ đạo các cấp Hội trong cả nước thực hiện nhiệm vụ chính trị

Nhiệm kỳ 2020- 2025 tiếp tục triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác Đông y, đó là:

Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các cấp Hội Đông y cần bám sát 5 quan điểm, 3 mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp.

Kết luận 154/TB-KL của Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cần sớm khắc phục những tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW.

Quyết định 1893/QĐ/TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng chính phủ “Ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030”, Hội Đông y các cấp cần phát triển hệ thống Phòng Chẩn trị của cán bộ và hội viên ở cơ sở; phối hợp giữa Trạm Y tế với Hội Đông y, đưa Lương y vào hoạt động ở Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; phấn đấu đưa tỷ lệ khám chữa bệnh bằng Đông y ở cấp đạt 40% tổng số người được khám chữa bệnh.

Quyết định 1976/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung vào việc nuôi trồng, bảo tồn, thu hái và bào chế, chế biến dược liệu, đảm bảo đủ dược liệu sạch làm thuốc, phát triển kinh tế từ nuôi trồng phát triển dược liệu, từng bước hiện đại hóa nền Đông dược Việt Nam.

Nghị quyết Liên tịch 02/NQLT/BYT-HĐY giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam về mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội Đông y Việt Nam trong công tác thừa kế, bảo tồn và phát triển YDCT.

Phối kết hợp chặt chẽ với các Bộ Ngành có liên quan trong tất cả các lĩnh vực: Quản lý nhà nước, khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ; kết hợp quân dân y và các lực lượng vũ trang để triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong phát triển Đông y Đông dược.

Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ phải đạt được: Trong thừa kế, bảo tồn, phát triển nền Đông y Việt Nam, không để mất đi một môn thuốc hay, một bài thuốc quí, một cây thuốc chữa bệnh có hiệu quả. Trong tổ chức khám chữa bệnh phát triển theo hướng đa khoa về YDCT đạt hiệu quả cao; Y đức trong sáng, ít xảy ra tai biến, phấn đấu thực hiện thành công các chỉ tiêu trong Quyết định 1893/QĐ/TTg Quyết định 1976/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

       II. Công tác xây dựng và củng cố tổ chức màng lưới, phát triển hội viên

1- Tổ chức màng lưới

Tiếp tục củng cố tổ chức Hội đủ 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở xã phường; phát triển thêm Chi hội cơ sở thôn ấp, bản và Hội Đông y trong các cơ sở Tôn giáo nhằm đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Một số huyện miền núi chưa có tổ chức Hội trong nhiệm kỳ các tỉnh thành phố cần khẩn trương tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền thành lập tổ chức Hội, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 90% huyện thị, thành phố có tổ chức Hội.

Cấp xã: Thành lập mới hoặc chuyển đổi Liên chi hội thành Hội Đông y xã, phường, thị trấn phấn đấu 80% cấp xã có tổ chức Hội; những xã, phường nhiều hội viên thành lập Chi hội thôn, bản theo địa giới hành chính.

Các đơn vị trực thuộc Trung ương, tăng cường củng cố tổ chức Hội đi đôi với nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phát triển chuyên môn kỹ thuật trong đào tạo, khám chữa bệnh, kết hợp Đông Tây y, bảo tồn phát triển dược liệu, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sản xuất các loại thuốc mới từ dược liệu, phát triển đồng bộ cả Y, Dược theo hướng đa khoa về Y Dược cổ truyền.

Phát triển Hội trong tổ chức Tôn giáo; nâng cao tay nghề cho các thầy thuốc trong hệ thống các Nhà chùa, Tịnh xá; phối kết hợp khám chữa bệnh, khám chữa bệnh từ thiện miễn phí ở các Nhà chùa, các Tịnh xá, đi đôi với việc nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng thuốc phục vụ nhân dân, bảo tồn cây con làm thuốc, không để mất đi một môn thuốc hay một bài thuốc quí trong nhân dân.

Đẩy mạnh hoạt động của các cụm để giúp đỡ lẫn nhau cùng thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội và thực thi các chính sách pháp luật; khắc phục những khó khăn, tồn tại, xây dựng kế hoạch phát triển Hội phù hợp với từng thời kỳ của địa phương.

Nhiệm kỳ 2020- 2025 vẫn giữ nguyên 13 cụm như khóa XIII nhiệm kỳ 2015-2020.

2- Phát triển hội viên

Phát triển thêm hội viên mới; đặc biệt hội viên các Dân tộc, các Tôn giáo, phát triển hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hội viên từ cơ sở.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025 từ Trung ương đến các tỉnh thành phố, các cấp hội cần tập hợp, phát triển thêm nhiều hội viên mới có chất lượng cao ở các lĩnh vực: Khám chữa bệnh, Đào tạo cán bộ, Nghiên cứu khoa học, hội viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng các đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nhiều ông lang bà mế, trải đều khắp các vùng dân cư trong cả nước; nâng tỷ lệ Hội Đông y xã phường, thị trấn có tổ chức Hội Đông y 70-80%.

3- Củng cố cơ sở vật chất, trụ sở làm việc

Các tỉnh thành phố nghiên cứu đề xuất với cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, nhân lực cho Hội Đông y các cấp, hoặc hỗ trợ thêm kinh phí cho hội để Hội đảm nhiệm một phần công việc của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ tổ chức thừa kế, bảo tồn phát triển Đông y, Đông dược, tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khắp mọi vùng miền của tổ quốc.

III. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Hội Đông y là nơi tập hợp những người hành nghề Đông y - Đông dược, trong các lĩnh vực:

- Khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng Đông y theo hướng đa khoa về Đông y; đa dạng các phương pháp chữa bệnh cả dùng thuốc và không dùng thuốc.

- Bảo tồn và phát triển dược liệu.

- Khai thác, cung ứng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc.

Tăng cường đánh giá tác dụng lâm sàng, xác định tính khoa học của các phương pháp chữa bệnh, các bài thuốc đang thịnh hành ở một vùng, một khu vực rộng lớn mà xã hội ưa dùng.

Nhiệm kỳ 2020- 2025 cần tập trung củng cố tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lư­ợng khám chữa bệnh của các cấp hội và hội viên; phấn đấu thực hiện thành công Quyết định 1893/QĐ/TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng chính phủ “Ban hành chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp Y Dược cổ truyền với Y Dược hiện đại đến năm 2030”, trọng tâm là chỉ tiêu khám chữa bệnh bằng Đông y ở các tuyến: Tuyến trung ương 10%, tuyến tỉnh 20%, tuyến huyện 25%, tuyến xã 40%; đồng thời tăng cường tổ chức khám chữa bệnh từ thiện miễn phí cho nhân dân nhất là vùng sâu, vùng xa.

Phát triển thêm các cơ sở khám chữa bệnh, các Phòng Chẩn trị, các Bệnh viện Đông y tư nhân để chữa bệnh cho nhân dân theo hướng xã hội hóa công tác khám chữa bệnh.

Củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh ở các nhà chùa, tịnh xá và các cơ sở Tôn giáo.

Các Chi hội trực thuộc Trung ương chuyên làm công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở tuyến Trung ương, như: Bệnh viện YHCT, Bệnh viện châm cứu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Bệnh viện YHCT Bộ công an, Viện y dược dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, Viện YHCT Quân đội...vừa tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, vừa phối hợp đào tạo cán bộ chuyên sâu cho tuyến dưới theo hướng đa khoa về Đông y; tập huấn, phổ biến các kinh nghiệm chữa bệnh có hiệu quả đã tổng kết chuyển giao cho tuyến dưới thực hiện.

Tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh.

IV. Công tác thừa kế, nghiên cứu, phát triển Đông y

Nhiệm kỳ 2020-2025 cần tập trung đẩy mạnh công tác thừa kế, tất cả lĩnh vực của Đông y, Đông dược với mục tiêu không để mất đi một môn thuốc hay, một bài thuốc quí, một phương pháp chữa bệnh có hiệu quả và những cây thuốc quí.

Các tỉnh thành phố động viên các Lương y giỏi, những người có bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh có hiệu quả, môn thuốc quí của các Dân tộc, các Tôn giáo đang lưu truyền trong nhân dân, các cấp Hội tổ chức hội thảo chuyên môn, trình bày bệnh án tâm đắc, truyền thụ, thừa kế, động viên truyền nghề cho các con cháu, dòng tộc hoặc những hội viên thân quen có tâm huyết, đặc biệt quan tâm đến những Lương y giỏi, những người có môn thuốc hay, bài thuốc quí mà tuổi cao, sức khỏe yếu; Trong nhiệm kỳ thừa kế, bảo tồn 130 môn thuốc bài thuốc, phương pháp chữa bệnh có hiệu quả.

Công tác nghiên cứu khoa học: Gắn chặt Nghiên cứu khoa học với Thừa kế nhằm phát huy và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong lĩnh vực Đông y, đồng thời tập trung vào các đề tài Nghiên cứu độc lập để khẳng định tính khoa học của Đông y trong lý luận cũng như trong lâm sàng.

Những Chi hội trực thuộc Trung ương, là các cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực Đông y, Đông Dược cần tập trung Nghiên cứu đánh giá khoa học các môn thuốc, bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả cao làm cơ sở để sản xuất lưu hành phổ rộng hoặc giúp cho việc xác định bản quyền sở hữu trí tuệ tác giả bài thuốc theo luật định.

Các tỉnh thành phố, các Chi hội trực thuộc cần có kế hoạch thống kê các sách Đông y kinh điển đang lưu giữ ở cơ sở, đề xuất phương án bảo tồn những sách quí còn trong nhân dân.

V. Công tác nuôi trồng, thu hái, bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, sản xuất, bào chế, chế biến thuốc Đông dược

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 1976/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 định hướng đến năm 2030;

Các tỉnh trong 8 vùng qui hoạch phát triển dược liệu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần xây dựng lộ trình để thực hiện; mặt khác những cây thuốc bản địa các thầy thuốc Đông y, các ông lang bà mế và nhân dân thường dùng ở các địa phương chưa có trong y văn cũng cần được điều tra, phát hiện; đặc biệt chú ý dược liệu ở khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số; với đặc thù hội viên Đông y các Dân tộc, các Tôn giáo ở các vùng miền là người hiểu biết nhiều về các cây thuốc vị thuốc tại địa phương nơi họ sinh sống, do đó Hội cần động viên họ bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu hiện có nhất là những cây con quí hiếm có nguy cơ tiệt chủng; tập hợp các bài thuốc, các cây thuốc chữa bệnh theo sở trường của các ông lang bà mế; tích cực bồi dưỡng kiến thức thuốc nam cho đội ngũ cán bộ hội viên để có nhiều thầy thuốc hiểu biết thêm về cây thuốc, vị thuốc hiện có ở từng vùng miền, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu phong phú của nước ta.

Hướng dẫn cho các cơ sở trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu của tổ chức, các nhân hội viên tự nguyện triển khai áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Các tỉnh thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ dược liệu làm thuốc, phát triển kinh tế từ dược liệu, từng bước hiện đại hóa nền Đông dược Việt Nam.

Củng cố hệ thống thu mua, quản lý, phân phối, điều tiết, hướng dẫn sơ chế, bào chế, chế biến sử dụng dược liệu sạch và an toàn là việc làm cần thiết đối với các cấp hội và từng hội viên.

Phấn đấu trong nhiệm kỳ:

- Bảo tồn và phát triển 180 cây thuốc.

- 90% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng các vị thuốc có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đúng tiêu chuẩn theo qui định của Bộ Y tế, đảm bảo sạch và an toàn.

Các Chi hội chuyên sản xuất thuốc Đông dược chú trọng tập trung phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chuẩn đầu vào của dược liệu, đảm bảo chuỗi sản phẩm khép kín; nâng cao chất lượng thuốc thành phẩm; sản xuất đa dạng các mặt hàng; từng bước hiện đại hóa thuốc Đông dược song song với bảo tồn sản xuất các bài thuốc kinh điển có hiệu quả trong phòng bệnh, chữa bệnh để hội nhập, sản xuất thuốc đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và xuất khẩu.

VI. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tay nghề, đào tạo cán bộ Đông y

Nhiệm kỳ 2020-2025 cần tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo nâng cao và đào tạo liên tục đội ngũ cán bộ hội viên, mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu: Nội khoa, Thương khoa, Phụ khoa, Ngũ quan Đông y để phát triển theo hướng đa khoa về Đông y.

Tổ chức bồi dưỡng chuyên đề, chuyên sâu Đông y đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Tăng cường công tác tập huấn chuyên đề và bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hành nghề YDCT cho hội viên.

Để áp dụng các tiến bộ khoa học của Y học đương đại; nhiệm kỳ 2020-2025 Trung ương Hội tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cho Lương y học một số cận lâm sàng áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả chữa bệnh và kết hợp Đông y với Tây y.

Đề nghị với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ lao động Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình đào tạo Lương y, Lương dược các bậc: Đại học, Cao đẳng theo tinh thần Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 2166/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh & Xã hội mở mã ngành Lương y, Lương dược.

Các chi hội trực thuộc Trung ương chuyên làm công tác đào tạo như: Học viện YDCT Việt Nam, Học viện Quân y, các Khoa YHCT trường Đại học Y, Dược: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ, Viện YHCT Quân đội, các trường Cao đẳng, Trung cấp YHCT...cần tăng chỉ tiêu đào tạo các hệ từ đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh cả kỹ thuật viên Đông y đáp ứng nhu cầu cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo để có đội ngũ thầy thuốc kế thừa và tiếp thu được những tinh hoa của Đông y Việt Nam.

VII. Công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham gia xây dựng chính sách pháp luật

1. Công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội

Hội Đông y Việt Nam là nơi tập hợp những thầy thuốc Đông y của cả nước bao gồm nhiều Dân tộc, Tôn giáo, nhiều thế hệ cán bộ có tri thức về khoa học y học trong lĩnh vực Đông y Việt Nam, đồng thời là tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; tư vấn cho ngành để phát triển nền Đông y Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Quyết định 1893/QĐ-TTg, Quyết định 1976/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Liên tịch 02/NQLT/BYT-HĐY giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam về mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Bộ Y tế và Trung ương Hội Đông y Việt Nam trong công tác thừa kế, bảo tồn và phát triển Y dược cổ truyền.

Tích cực tham gia phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến Đông y Đông dược phù hợp với thực tiễn của mỗi cấp Hội.

2. Tham gia xây dựng Chính sách pháp luật

Tích cực tham gia xây dựng pháp luật, các dự án luật của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực Ngành Y tế và những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội; đề xuất với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho xây dựng Luật về Y Dược truyền thống Việt Nam, làm cơ sở pháp lý để bảo tồn, phát triển Đông y trong sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật về Hội.

Phối hợp với Bộ Y tế và các Ban, Bộ ngành tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ ban hành các văn bản pháp qui liên quan đến sự nghiệp Đông y.

VIII- Thực hiện nhiệm vụ là tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam

1. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân:

Hội Đông y là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Hội thống nhất chỉ đạo các tỉnh thành phố trong sinh hoạt Hội đưa chương trình giáo dục, hướng dẫn, động viên cán bộ hội viên tăng cường nhận thức về Đảng, thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, hoặc thông qua sinh hoạt Hội tham gia tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần ổn định chính trị xã hội.

2. Thực hiện nhiệm vụ giám sát xã hội và tham gia các phong trào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động:

Nhiệm kỳ 2020-2025 Hội Đông y từ Trung ương đến các tỉnh thành phố, các cấp hội cần tích cực tham gia giám sát xã hội do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức, nhất là những vấn đề có liên quan đến chăm sóc sức khỏe và thuốc chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời thực hiện các phong trào do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động, như: Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào vùng biển đảo, xây dựng quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai bão lụt, quỹ hỗ trợ tài năng trẻ, quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nguồn lực chống dịch COVID-19 và tái thiết nền kinh tế sau dịch COVID-19.

IX. Công tác tu thư dịch thuật

Tổ chức dịch thuật bộ Thọ thế bảo nguyên in ấn, phát hành và tái bản những đầu sách cần thiết phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.

Các Chi hội trực thuộc có chuyên môn sâu về Đông y, các tỉnh thành phố trong cả nước động viên các Lương y giỏi có tay nghề cao viết tâm đắc hoặc dịch thuật một số y văn kinh điển, hoặc biên soạn một số tư liệu cây thuốc vị thuốc của địa phương và những bài thuốc của các ông lang bà mế của các dân tộc.

X. Công tác đối ngoại

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; nhằm quảng bá và tuyên truyền sâu rộng về đất nước, con người Việt Nam trong lĩnh vực Đông y Đông dược, đồng thời tạo điều kiện để tiếp cận, học hỏi trao đổi hợp tác hữu nghị, đầu tư, hội nhập với tất cả các nước trên thế giới.

Nhiệm kỳ 2020- 2025 tích cực tìm hiểu những yếu tố tương đồng của những nước có nền Y học truyền thống và Y học dân gian phát triển trong khu vực và thế giới, từng bước trao đổi học thuật và hợp tác khoa học trong các lĩnh vực: Đào tạo cán bộ, Nghiên cứu khoa học, Khám chữa bệnh bằng Đông y, như: Các nước trong khối Asean, Trung Quốc và Liên bang Nga...

XI. Tạp chí Đông y

Để thực hiện tốt mục tiêu công tác Hội nhiệm kỳ 2020- 2025, Tạp chí Đông y xác định rõ là Cơ quan Ngôn luận của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, xuất phát từ mục tiêu và nhiệm vụ chung; Ban biên tập tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức Tạp chí; sắp xếp, bố cục hợp lý tin bài đăng tải nội dung phong phú, đa dạng, chất lượng cao, kịp thời phản ánh được tính cấp thiết phục vụ chuyên môn, tính thời sự trong xã hội; Tạp chí cần thể hiện là kênh thông tin về chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời trao đổi chuyên môn học thuật Đông y, nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức cho cán bộ, hội viên đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Nội dung cụ thể của tạp chí cần thể hiện đầy đủ trên các mặt: Tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách pháp luật, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ kịp thời đầy đủ; về học thuật bố cục đều cả lý luận kinh điển và nội dung chuyên môn sâu, đa dạng; về lâm sàng chú ý tới những bệnh án tâm đắc hay, phương pháp chữa bệnh hiệu quả của các địa phương, các dân tộc trong cả nước; về công tác thừa kế, bồi dưỡng, đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết hợp Tây y với Đông y chọn những bài mang tính chuyên khoa, chuyên ngành, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ; Công tác dược cần thể hiện đầy đủ các lĩnh vực: Nuôi trồng, thu hái, bảo tồn và phát triển dược liệu của các địa phương; Công tác bào chế sản xuất, kinh doanh dược liệu đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn; các tin bài về phong trào cần nêu được gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến...đcán bộ, hội viên, độc giả và nhân dân áp dụng.

XII. Mối quan hệ với Ngành Y tế

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Liên tịch 02/NQLT/BYT-HĐY giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam; hàng năm tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện các nội dung trong Nghị quyết Liên tịch 02/NQLT/BTY-HĐY nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, tìm hướng khắc phục những tồn tại vướng mắc; đồng thời đánh giá kết quả việc phối hợp tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các Luật của Quốc hội và Quyết định của Chính phủ;

Xây dựng chương trình kế hoạch công tác phối hợp hàng năm để thống nhất chỉ đạo công tác Đông y cả nước nhằm phát triển nền Đông y Việt Nam, tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, bao gồm:

- Kết luận 154/TB- KL của Ban Bí thư về sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới;

- Luật khám bệnh chữa bệnh, Luật dược.

- Quyết định 1893/QĐ-TTg và Quyết định 1976/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Đề nghị Bộ y tế mở mã ngành cho Lương y để làm cơ sở xin mở mã ngạch đạo tào Lương y.

XIII. Phát triển Đông y trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thực hiện chương trình 12 kết hợp Quân – Dân y:

Trong Kết luận 154/TB- KL sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, giao cho các lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ, bảo mật các môn thuốc bài thuốc, cây thuốc quí hiếm của dân tộc; vì vậy Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng cần xây dựng kế hoạch và có biện pháp tích cực trong việc bảo vệ, khai thác cây thuốc quí hiếm và bảo mật các môn thuốc bài thuốc có giá trị chữa bệnh cao.

Các cơ sở khám chữa bệnh của các Lực lượng Vũ trang nhân dân đóng quân ở các địa phương nhất là vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều cây thuốc vị thuốc chữa bệnh cần được bảo tồn và phát triển; những đơn vị có điều kiện nhân lực, đất đai cần phối hợp với địa phương tổ chức nuôi trồng, thu hái cây thuốc sẵn có ở địa phương để chữa bệnh cho chiến sĩ và nhân dân ở các địa phương tạo ra mối quan hệ chặt chẽ quân dân.

- Chi hội Đông y Cục Quân y Bộ Quốc phòng cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chương trình 12 kết hợp Quân Dân y từ Cục Quân y Bộ quốc phòng đến các đơn vị cơ sở, nhất là các đơn vị đóng quân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.

Tổ chức thực hiện kết hợp Đông y với Tây y trong các cơ sở y tế của Quân đội, Học viện Quân y, Viện Y học cổ truyền Quân đội, các Bệnh viện, Bệnh xá tất cả đều có Khoa hoặc tổ Đông y; tăng cường khám chữa bệnh bằng Đông y cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân.

Thành lập thêm các Chi hội Đông y trong các Lực lượng Vũ trang nhân dân nơi chưa có tổ chức Hội, đồng thời tăng cường hoạt động công tác Hội ở Chi hội đã có trong các Viện, Bệnh viện, Bệnh xá, đội điều trị.

- Chi hội Đông y Viện y học cổ truyền Quân đội cần tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn Đông y theo hướng đa khoa, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu của ngành Quân y, đồng thời làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, nâng cao tay nghề, tổ chức hội chẩn liên khoa, liên viện và hợp tác Quốc tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước an toàn, hiệu quả; Đồng thời đã tổ chức sản xuất nhiều loại thuốc điều trị có tác dụng trên lâm sàng chất lượng cao cung ứng cho toàn Quân và những cơ sở khám chữa bệnh ngoài Quân đội.

Thực hiện chương trình 12 kết hợp Quân Dân y, Cục quân y Bộ quốc phòng chỉ đạo kết hợp Đông - Tây y trong các cơ sở y tế trong Quân đội.

- Chi hội Đông y Cục Y tế Bộ Công an cần tăng cường phát triển Đông y ở các cơ sở y tế trong Ngành Công an, các Bệnh viện, Bệnh xá Công an; tích cực phát triển các vườn thuốc tại các Trại giam nơi có nhiều dược liệu bản địa; kết hợp với bảo tồn, phát triển dược liệu quý hiếm ở từng địa phương.

XIV. Phát triển kinh tế hội

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định rõ vai trò vị trí của Hội chuyên môn có truyền thống lâu đời gắn liền với dân tộc, mặt khác hệ thống Hội được tổ chức trên cơ sở tự nguyện, tự trang trải về kinh phí; do đó cần tích cực củng cố và nâng cao năng lực của Ban kinh tế, động viên những người có môn thuốc hay bài thuốc quí hoặc cây thuốc chữa bệnh đặc hiệu, tập trung phát triển kinh tế hội theo hướng tổ chức doanh nghiệp trực thuộc Hội hoặc hợp tác liên doanh với doanh nghiệp để phát triển kinh tế Hội theo qui định của pháp luật.

Mục tiêu phát triển kinh tế Hội trong tất cả các lĩnh vực:

- Nuôi trồng, khai thác, sơ chế, bào chế dược liệu sạch, an toàn, phân vùng chuyên canh theo thổ nhưỡng, khí hậu bản địa với qui mô lớn, công nghiệp; đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư 19/2019/TT-BYT; ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Bộ Y tế “Qui định thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên”.

- Sản xuất các loại thuốc Đông dược chất lượng cao theo cả 2 hướng kinh điển và hiện đại, đảm bảo chất lượng thuốc chữa bệnh, an toàn, hiệu quả, đảm bảo đủ thuốc trong nước và xuất khẩu.

- Tổ chức phát triển chuyên môn Đông y với phổ rộng, đa dạng, nhiều loại hình: Khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân theo hướng: Chuyên sâu Đông y và kết hợp Đông y với Tây y; mục tiêu hiện đại hóa Đông y nhưng vẫn giữ được bản sắc Đông y.

XV. Công tác kiểm tra

Kiện toàn Ban kiểm tra của Hội theo qui định của điều lệ.

Nâng cao năng lực chuyên môn kiểm tra của Ban kiểm tra, hướng dẫn công tác kiểm tra bám sát với nhiệm vụ phát triển Hội một cách toàn diện cả chuyên môn học thuật và việc thực hiện Điều lệ Hội cũng như việc chấp hành chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

XVI. Công tác thi đua khen thư­ởng

Phát động các phong trào thi đua trong toàn hệ thống Hội gắn liền với phong trào thi đua chung của cả nước, động viên kịp thời đội ngũ cán bộ hội viên, những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích cống hiến cho sự nghiệp thừa kế, bảo tồn, phát triển Đông y- Đông dược, Khám chữa bệnh, Đào tạo cán bộ, Nghiên cứu khoa học, làm từ thiện và các công tác Hội.

Xây dựng các điển hình tiên tiến trong quản lý, phát triển chuyên môn kỹ thuật, trong sáng về y đức...là cơ sở để thúc đẩy phong trào hoạt động tổ chức hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; kế thừa, phát triển Đông y bảo tồn di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Để thực hiện được mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ 2020- 2025, Trung ương Hội Đông y Viêt Nam tổ chức các phong trào thi đua và hội nghị nhân điển hình tiên tiến:

- Phát động phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Đông y Viêt Nam vào năm 2021.

- Tổ chức Hội thảo khoa học các phương pháp phòng và chữa các chứng bệnh về tim mạch (bệnh tạng Tâm) bằng  Đông y vào năm 2022.

- Tổ chức xét duyệt Thầy thuốc Đông y tiêu biểu lần thứ 3 vào năm 2022.

- Tổ chức hội nghị nhân điển hình tiên tiến chuyên đề công tác nuôi trồng, bảo tồn, phát triển dược liệu sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái (GACP- WHO) và tiêu chuẩn Organic vào năm 2023.

- Tổ chức Hội thảo khoa học môn thuốc, bài thuốc các dân tộc các tôn giáo lần thứ 2 vào năm 2024.

- Tiếp tục xét duyệt kỷ niệm chư­ơng Đông y cho cán bộ hội viên theo Qui chế thi đua khen thưởng.

- Hàng năm Hội tổ chức xét duyệt thi đua thường kỳ vào cuối năm và khen thưởng đột xuất cho những tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc. 

 Hội Đông y Việt Nam xét đề nghị Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Bằng khen cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích công tác Hội; hiệp y đề nghị khen thưởng bậc cao cho các đơn vị trực thuộc và các tỉnh thành phố trong cả nước./.

 

Nơi nhận:

- TT HĐY (b/c);

- Hội Đông y các tỉnh, TP (t/h);

- Chi hội Trực thuộc (t/h);

- Lưu: VT, VP.

 

CHỦ TỊCH

 

(đã ký)

 

Đậu Xuân Cảnh

 

 

T/M BAN CHẤP HÀNH

HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM

CHỦ TỊCH

 

(đã ký)

 

 

 

Đậu Xuân Cảnh

 

 

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz        Quay lại   Gửi mail   In trang này   Về đầu trang
Danh mục
Bài đọc nhiều nhất
ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM
Chương trình đào tạo các lớp Lương y
Giới thiệu chung về Hội Đông y Việt nam
Số người trup cập
Lượt truy cập
00000-1
Khách online 10
Trang Thông tin điện tử Trung ương Hội Đông y Việt Nam
Giấy phép số 164/GP-TTĐT cấp ngày 08/09/2011 của Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử -
Bộ Thông tin và Truyền thông
Địa chỉ: 19 Phố Tông Đản, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (84-4)3.935.0572 - Fax: (84-4)3.934.9067 - Email: info@votma.org.vn
Powered by: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ 
Địa chỉ: Số 8 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-4)62821016 - Fax (84-4)39740617 
Email: websitemaster@moha.gov.vn